[Q&A] Buôn lậu thuốc lá: Chống bằng TIỀN hay bằng NGƯỜI?

13/02/2015 09:59 AM |

Quy mô của thị trường thuốc lá điếu nhập lậu ở Việt Nam ra sao? Nhãn thuốc lá nào được nhập lậu nhiều nhất?

Theo số liệu khảo sát của AC Nielsen, 6 tháng đầu năm 2014, thị phần thuốc lá lậu đã tăng thêm 30 - 40%, chiếm 1/4 thị phần thuốc lá toàn quốc. Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), với tổng cộng khoảng 850 triệu bao thuốc/năm, 2 nhãn hiệu thuốc lá JET và HERO hiện chiếm hơn 90% thị phần thuốc lá lậu tại Việt Nam.

 
1

Nhà nước thiệt hại gì khi buôn lậu thuốc lá hoành hành?

Ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, làm thất thu ngân sách và gây thiệt hại cho các doanh nghiệp trong nước.

Riêng về thất thu ngân sách, theo số liệu của Oxford Economics 2012, thuốc lá nhập lậu gây thất thu ngân sách Nhà nước 6.500 tỷ đồng, bằng 42% tổng đóng góp ngân sách Nhà nước của toàn ngành thuốc lá. Dự kiến với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì 2014 ngân sách Nhà nước có thể thất thu hơn 8.000 tỷ đồng.

 
2

Địa phương nào có nạn thuốc lá nhập lậu nặng nhất?

Trước đây, các địa bàn "quen" của giới buôn lậu tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh , TP.Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Bình Phước, Trà Vinh...

Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện thêm và lan tràn ở nhiều tỉnh miền Trung, miền Bắc trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt tại các khu vực biên giới phía Bắc và miền Trung như Quảng Ninh, Quảng Trị.

 
3

Vì sao khó chống buôn lậu thuốc lá một cách triệt để?

Thứ nhất, buôn lậu hàng gì cũng lãi (do trốn được thuế), buôn lậu thuốc lá càng lãi lớn, siêu lãi (thuế thuốc lá rất cao).

Hiện tại thuốc lá ở Việt Nam chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tới 65%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%. Trong khi đó, một số nước trong khu vực có chung đường biên giới với Việt Nam như Campuchia, thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ 10%, thuế nhập khẩu 7%; Lào có mức thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 35%, Trung Quốc khoảng 40%. Tiền thuế cao hơn láng giềng thì việc buôn lậu tất yếu xảy ra.

Thứ hai, thuốc lá là mặt hàng gọn, nhẹ, dễ vận chuyển, giá trị lớn, lại là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cao, dễ thu siêu lợi nhuận nên thu hút lượng lớn dân buôn lậu đủ quy mô từ cá nhân đến tổ chức đường dây tham gia.

Dân buôn nhỏ thường chia nhỏ hàng, vận chuyển số lượng ít, bằng cách gắn vào người và tìm cách xuyên thủng hệ thống kiểm tra của các cơ quan chức năng (vốn mỏng) ở biên giới. Việc bắt giữ các đối tượng buôn lậu nhỏ lẻ vô cùng khó khăn.

Thứ ba, lực lượng chống buôn lậu dàn trải, kinh phí lại hạn chế.

Để bắt được thuốc lá lậu, phải huy động nhiều lực lượng từ công an, quản lý thị trường, Hải Quan…ở nhiều tỉnh thành tham gia.

Ngoài ra, dù duy trì một lực lượng lớn, trên nhiều ngành, nhiều địa bàn để vất vả chống buôn lậu nhưng việc bồi dưỡng cho lực lượng này còn thấp. (Ngoài lương thì trước đây có khoản kinh phí hỗ trợ chống buôn lậu 40% lấy từ hiệu quả chống buôn lậu. Tuy nhiên, khoản này đã bị cắt).

Dù vậy, chi phí hỗ trợ cho công tác bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá lậu, thuốc lá giả vẫn là rất lớn. Theo ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Hiệp hội này thường xuyên hỗ trợ về tài chính cho công tác này, tổng kinh phí hỗ trợ từ năm 2007 đến hết 7/2014 cho các hoạt động đã lên tới 43,7 tỷ đồng.

 
4

Không có cách gì giúp cho công tác chống buôn lậu sao?

Có nhưng chưa triệt để. Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư mới 19/2015/TT-BTC (thay thế cho Thông tư 57/2012/TT-BTC) nhằm tăng cường khuyến khích và hỗ trợ công tác bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu.

Cụ thể, theo Thông tư 19/2015/TT-BTC, từ ngày 03/02/2015, mức hỗ trợ kinh phí cho công tác bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả được điều chỉnh tăng từ 1.100 đồng/bao lên 3.500 đồng/bao 20 điếu (không phân biệt giá trị thuốc lá).

Thông tư cũng quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với đối tượng được thụ hưởng (trong mức hỗ trợ 3.000 đồng/bao 20 điếu) như sau: 150 đồng cho Ban chỉ đạo 389 quốc gia; 210 đồng cho Ban chỉ đạo 389 địa phương nơi có thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá giả bị bắt giữ, tiêu hủy; 150 đồng cho Ban điều hành Quỹ của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam; Số tiền còn lại dùng để hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, kinh doanh thuốc lá giả.

 
5

Ngoài cách này còn có cách nào khác không?

Thực ra từ 6 năm trước, năm 2007, Chính phủ từng thử nghiệm tính hiệu quả của công tác chống buôn lậu theo đề nghị của Hiệp hội thuốc lá, bằng việc cho đốt, tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu đã được áp dụng nhưng chưa phát huy tác dụng, không những không làm giảm mà thậm chí nạn buôn lậu còn tăng lên.

Theo đó, hàng triệu bao thuốc lá với trị giá vài chục tỷ đồng đem đốt, tiêu hủy. Tuy nhiên, sau ba năm đến 2010 theo đánh giá của các cơ quan chức năng và các chuyên gia thuốc lá nhập lậu tăng lên khoảng 800 - 850 triệu bao/năm, tăng so với năm 2006 trên 50%.

Thực tế này cho thấy, việc đốt bỏ thuốc lá lậu với trị giá hàng chục tỷ đồng đã không khiến buôn lậu giảm đi. Trong khi đó, xét cho cùng dù là thuốc lậu thì những loại thuốc lá tốt vẫn là sản phẩm có giá trị trên thị trường.

Quy định mới ban hành năm 2013: tiêu hủy các thuốc lá lậu giả; còn thuốc lá điếu lậu có giá trị sẽ cho tạm nhập tái xuất.

 
6

Tăng mức hỗ trợ kinh phí gấp 3 có thực sự đem lại hiệu quả gấp 3?

Khó để đo đếm được ngay, nhưng ít nhất là giải quyết vấn đề về TIỀN, về kinh phí hỗ trợ. Còn vấn đề về ý thức người dân, trách nhiệm của cán bộ tham gia và tính hiệu quả của sự phối hợp quản lý giữa các cơ quan ban ngành, sẽ đóng góp phần lớn vào hiệu quả chống buôn lậu.

Riêng vấn đề về TIỀN. Ít nhất, chi phí dành cho việc chống buôn lậu phải giúp các cán bộ và nhân dân có động lực đủ để lấn át được lợi nhuận mà dân buôn thu về. Quy định mới này đã nâng mức hỗ trợ lên gấp 3 so với mức cũ, cũng có thể nói là động lực không nhỏ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này có thực sự đủ lực góp phần đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá hay không thì phải chờ câu trả lời từ thực tế.

 
7

Kiều Anh

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM