Thu nhập chỉ 10 triệu/tháng nhưng mua tận 29 hợp đồng bảo hiểm, tổng chi phí hơn 16 tỷ, người đàn ông U60 ở Trung Quốc: "Vì họ cam kết trả lãi cao hơn ngân hàng"
Dù thu nhập không cao, người đàn ông Trung Quốc này đã giấu gia đình mua đến 29 hợp đồng bảo hiểm vì tin lời nhân viên tư vấn rằng họ sẽ trả lãi cao hơn ngân hàng.
Ông Hà Tiểu Thanh (tên nhân vật đã thay đổi), quê ở Hồ Nam, Trung Quốc, đã làm công việc bốc vác tại một kho hàng địa phương suốt nhiều năm qua, với thu nhập hàng tháng chỉ khoảng 3.000 - 4.000 nhân dân tệ (tương đương 10 - 14 triệu đồng).
Gần đây, cuộc sống bình yên ấy bỗng bị xáo trộn khi gia đình ông phát hiện ông đã ký kết tới 29 hợp đồng bảo hiểm với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Taikang, chi nhánh Hồ Nam, trong vòng 6 năm. Tổng số tiền bảo hiểm mà ông đã cam kết đóng lên đến 4,54 triệu nhân dân tệ (hơn 16 tỷ đồng).
Con gái ông, chị Lộ Tiểu Lệ, cho biết: "Nếu không phải đến tháng 3 năm nay, khi cha tôi không còn khả năng đóng tiếp bảo hiểm, thì có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ biết về chuyện này".
Khi xem lại các hợp đồng, chị Lộ phát hiện cha mình đã mua nhiều loại bảo hiểm khác nhau, từ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí có chia lãi, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo cho đến bảo hiểm đầu tư linh hoạt.
Điều khiến gia đình bất bình là việc ông Hà không hề hiểu rõ mình đã mua gì. Khi được hỏi tại sao lại quyết định mua số lượng bảo hiểm lớn như vậy, ông trả lời đơn giản: "Tôi không rõ lắm, năm 2018 nhân viên tư vấn có gọi đến nói rằng mua bảo hiểm sẽ có bảo đảm, lãi suất còn cao hơn gửi ngân hàng".
Ban đầu, ông Hà chỉ mua một hợp đồng theo lời mời của nhân viên bảo hiểm. Nhưng sau đó, cứ vài ngày, nhân viên lại gọi điện thuyết phục ông mua thêm sản phẩm mới.
"Sau khi tôi mua lần đầu, nhân viên bảo hiểm thường xuyên gọi điện, giới thiệu các sản phẩm mới và nói rằng tôi nên mua thêm để có lợi hơn", ông Hà chia sẻ.
Theo bảng sao kê ngân hàng của ông Hà, trong 6 năm qua, tổng số tiền đã bị trừ cho 29 hợp đồng bảo hiểm lên đến 1,29 triệu nhân dân tệ (hơn 4,5 tỷ đồng).
Đáng nói hơn, khi biết ông Hà không còn khả năng đóng phí vào năm 2023, nhân viên bảo hiểm vẫn tiếp tục thuyết phục ông vay tiền bằng chính những hợp đồng bảo hiểm đã mua để tiếp tục đóng phí.
"Vào tháng 8/2023, khi cha tôi đang nằm viện, nhân viên bảo hiểm đã đến tận giường bệnh của ông, giúp ông vay hơn 80.000 nhân dân tệ từ chính hợp đồng bảo hiểm và ngay lập tức sử dụng khoản tiền đó để mua tiếp một hợp đồng mới", chị Lộ bức xúc kể lại.
Khi được hỏi về việc này, ông Hà thừa nhận: "Tôi nói mình hết tiền rồi, họ bảo sẽ nghĩ cách giúp tôi".
Nhưng khi phóng viên hỏi rằng ông có biết số tiền vay phải hoàn trả hay không, ông đáp" "Tất nhiên là phải trả, nhưng họ bảo sẽ nghĩ cách giúp tôi, tôi cũng không biết họ định giúp thế nào".
Ngoài ra, khi gia đình kiểm tra lại hợp đồng bảo hiểm, họ phát hiện một vấn đề nghiêm trọng: trong hồ sơ đăng ký, nghề nghiệp của ông Hà không phải là công nhân bốc vác mà được ghi là "quản lý bộ phận" hoặc "chủ doanh nghiệp thương mại".
"Cha tôi chỉ là một công nhân bốc vác với thu nhập hơn 3.000 nhân dân tệ/tháng, nhưng hợp đồng lại ghi ông ấy là người quản lý một bộ phận hay chủ doanh nghiệp, điều này không đúng với thực tế. Nếu công ty bảo hiểm thực sự thẩm định kỹ lưỡng thì làm sao có thể phê duyệt hợp đồng với số tiền lớn như vậy?", chị Lộ đặt câu hỏi.
Sau khi sự việc bị phanh phui, gia đình ông Hà đã liên hệ với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Taikang để khiếu nại. Tuy nhiên, khi phóng viên cố gắng liên hệ với nhân viên bảo hiểm trực tiếp phụ trách ông Hà, người này đã nhanh chóng cúp máy sau khi biết đó là cuộc gọi từ báo chí.
Trong cuộc làm việc trực tiếp giữa gia đình ông Hà và đại diện của Taikang, công ty này phản hồi: "Nếu khách hàng thực sự không hiểu hợp đồng ngay từ đầu, vậy tại sao trong các cuộc gọi xác nhận, video ghi hình và biên bản thỏa thuận giao dịch, ông ấy vẫn đồng ý? Chúng tôi đã có đủ bằng chứng về sự đồng thuận của khách hàng".
Trước phản ứng này, gia đình ông Hà đã gửi đơn khiếu nại lên trụ sở chính của Taikang cũng như Cục Quản lý tài chính tỉnh Hồ Nam để yêu cầu điều tra.
Vụ việc đang thu hút sự chú ý lớn tại Trung Quốc, khi ngày càng nhiều người lo ngại về các chiêu trò bán bảo hiểm gây tổn thất nghiêm trọng cho những người lao động có thu nhập thấp.
Theo Toutiao