Thủ tướng: Chống nhập khẩu hàng hóa từ nước thứ 3 để xuất khẩu sang Mỹ

08/04/2025 07:06 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo Thủ tướng, giải quyết vấn đề thuế quan với Mỹ cần tính đến tổng thể chung của kinh tế đối ngoại Việt Nam và không ảnh hưởng tới các thị trường khác

Các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tăng cường kết nối kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam với các nước để thích ứng tốt hơn với tình hình, chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế, triển khai Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24-1-2025 của Bộ Chính trị và bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, chiều 7-4.

Thủ tướng: Chống nhập khẩu hàng hóa từ nước thứ 3 để xuất khẩu sang Mỹ- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Theo Thủ tướng, hiện nay cả nước đang triển khai "bộ tứ chiến lược", cùng với Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị là thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính địa phương; phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết để thực hiện "bộ tứ chiến lược" này, Chính phủ đã và đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là đột phá về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Với các yêu cầu của tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nắm chắc tình hình và thị trường sở tại, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp của Việt Nam với các nước.

Đặc biệt, phải kết nối kinh tế Việt Nam với các nước, khu vực và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước; hỗ trợ doanh nghiệp trong hợp tác, làm ăn; thường xuyên trao đổi với các bộ, ngành, ngành hàng, doanh nghiệp các nước…

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ ngành, địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp đoàn kết, phối hợp với bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới bao bì, mẫu mã sản phẩm.

Cùng với đó, thực hiện tái cơ cấu sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc một số thị trường nhất định, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Đối với việc Mỹ thông báo chính sách thuế quan mới, trong đó có thuế đối ứng 46% với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhấn mạnh phải bình tĩnh, Thủ tướng yêu cầu kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả các nước; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, phải hợp tác cân bằng, bền vững với Mỹ, vì lợi ích của cả 2 bên. Để thực hiện việc này, theo Thủ tướng, phải có giải pháp thích ứng vừa trước mắt, vừa lâu dài, linh hoạt, phù hợp, bằng các giải pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại.

Theo Thủ tướng, giải quyết vấn đề thuế quan với Mỹ cần tính đến tổng thể chung của kinh tế đối ngoại Việt Nam và không ảnh hưởng tới các thị trường khác. Thủ tướng cũng nhắc lại Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam nhưng không phải là thị trường duy nhất, còn nhiều thị trường quan trọng khác.

Thời gian tới, nhiệm vụ tăng cường chống gian lận thương mại, nhất là chống nhập khẩu hàng hóa từ nước thứ 3 để xuất khẩu sang Mỹ, được Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh. Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các mặt hàng, doanh nghiệp ảnh hưởng lớn thông qua giảm thuế, phí, lệ phí, các gói tín dụng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bộ, ngành, doanh nghiệp đoàn kết, phát huy trí tuệ, nghĩ sâu làm lớn, quyết tâm cao, góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025. Từ đó tạo đà, tạo lực, tạo thế để đất nước đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá tình hình thương mại, diễn biến thị trường quốc tế và phản ứng, biện pháp của các nước sau khi Mỹ công bố chính sách thuế quan mới. Các đại biểu cũng nêu tình hình hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước; cơ hội, thách thức đối với hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng thị trường của nước sở tại trong bối cảnh hiện nay.

Theo các ý kiến tại hội nghị, cùng với tiếp tục đàm phán với phía Mỹ để thúc đẩy hợp tác thương mại bền vững, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể.

Minh Chiến - TTXVN

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Tổng Giám đốc TPBank: Chúng tôi không liên quan đến lô trái phiếu HTQN, bắt chúng tôi chịu trách nhiệm là 'đòi hỏi vô lý'

Về vụ việc trái phiếu HTQN (Mã HQCNH2124005), lãnh đạo TPBank khẳng định không có liên quan đến lô trái phiếu này nên không có trách nhiệm quản lý và xử lý.

VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng công bố doanh thu 1,8 tỷ USD năm 2024

Tính chung cả năm 2024, số lượng ô tô đã bàn giao đạt 97.399 chiếc, tăng 192% so với năm 2023 và xe máy điện là 70.977 chiếc, tăng 1%.

NÓNG: Vụ chiếc xe Mercedes-Benz S 450 L của ca sĩ Duy Mạnh bị cháy, Mercedes-Benz Việt Nam chính thức lên tiếng “Sự cố này là do tác nhân bên ngoài”

Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) vừa chính thức lên tiếng về vụ việc liên quan đến chiếc xe Mercedes-Benz của ca sĩ Nguyễn Duy Mạnh bị cháy khi đậu trong tầng hầm chung cư tại Đà Nẵng.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Samsung bị đối thủ vượt mặt vì AI, chấm dứt 3 thập kỷ thống trị mảng DRAM, đi vào vết xe đổ của Intel

Sự bùng nổ của AI khiến lợi nhuận của SK Hynix tăng kỷ lục trong khi Samsung đi xuống. Phải chăng ông lớn Hàn Quốc đang bước vào vết xe đổ của Intel khi chậm chân hơn đối thủ và mắc kẹt trong hào quang quá khứ?