Triển lãm "Nơi thời gian chậm lại": Giá trị lớn không nằm ở việc bán tranh

29/03/2025 15:30 PM | Sống

Trong bối cảnh xã hội ngày càng bị cuốn vào vòng xoáy "thị trường hóa" nhanh và nông, lựa chọn sống chậm - sáng tác sâu của Đặng Thanh Huyền là minh chứng cho hướng đi bền vững mà nghệ thuật chân chính cần có.

Giữa thị trường nghệ thuật ngày càng phát triển theo hướng thương mại hóa, Đặng Thanh Huyền vẫn lựa chọn con đường riêng: âm thầm, bền bỉ và sâu lắng. Triển lãm cá nhân thứ hai của cô - "Nơi thời gian chậm lại" - diễn ra từ ngày 22 đến 29/3/2025 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu 50 tác phẩm sơn dầu và lụa, đa phần là những bức chân dung khổ lớn mà nữ hoạ sĩ vẽ những người thân yêu, được vận chuyển từ Nha Trang ra Hà Nội.

Đặng Thanh Huyền sinh năm 1984 tại Hà Nội. Dù gia đình không có ai làm nghệ thuật nhưng tình yêu hội họa đã nhen nhóm trong cô từ khi còn rất nhỏ. Năm 2008, Đặng Thanh Huyền tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và tiếp tục học lên Thạc sĩ tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ở đây, cô từng bước định hình phong cách nghệ thuật và tư duy sáng tác dưới sự dìu dắt của những người thầy nổi tiếng như Giáo sư Phạm Công Thành, họa sĩ Trần Huy Oánh, thầy Lê Anh Vân… Trong hơn một thập kỷ qua, Đặng Thanh Huyền ghi dấu ấn trong làng mỹ thuật đương đại Việt Nam bằng những triển lãm đáng chú ý như: "Hương sắc Hà Thành" (2019), "Nhịp thời gian" (2019), hoạt động cộng đồng "Bé vẽ giấc mơ" tại Nha Trang (2024).

Tranh của Đặng Thanh Huyền nổi bật bởi cách kết hợp giữa hiện thực và biểu cảm, không dừng lại ở việc mô tả hình dáng mà đào sâu vào tâm trạng, cảm xúc cùng những câu chuyện đằng sau nhân vật. Cô theo đuổi phong cách giao thoa giữa hiện thực và ấn tượng, sử dụng màu sắc và ánh sáng giàu cảm xúc, tối giản chi tiết không cần thiết, nhấn mạnh vào những điểm trọng tâm để người xem tự cảm nhận và tưởng tượng.

Triển lãm "Nơi thời gian chậm lại": Giá trị lớn không nằm ở việc bán tranh- Ảnh 1.

Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm "Nơi thời gian chậm lại" của Đặng Thanh Huyền, diễn ra từ ngày 22-29/3/2025 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Điều đặc biệt là dù hoạt động nghệ thuật tích cực, Đặng Thanh Huyền chưa bao giờ đặt áp lực thương mại lên tranh vẽ của mình. Bởi bên cạnh đam mê hội họa, cô còn là một doanh nhân. Sau khi chuyển vào Nha Trang sinh sống với gia đình, tháng 11/2022, Đặng Thanh Huyền sáng lập thương hiệu Paint & Silk - chuyên về khăn lụa nghệ thuật với thiết kế độc quyền, kết hợp giữa hội họa thủ công và chất liệu lụa cao cấp. Paint & Silk mang đến những tác phẩm lụa đậm dấu ấn cá nhân, vừa có tính ứng dụng cao, vừa là một dạng tác phẩm nghệ thuật di động, mỗi thiết kế chỉ sản xuất số lượng rất ít.

Triển lãm "Nơi thời gian chậm lại": Giá trị lớn không nằm ở việc bán tranh- Ảnh 2.

Triển lãm "Nơi thời gian chậm lại": Giá trị lớn không nằm ở việc bán tranh- Ảnh 3.

Với Đặng Thanh Huyền, Paint & Silk thỏa mãn hai đam mê lớn trong cuộc sống của cô là hội họa và thời trang.

"Tôi không phủ nhận rằng bán được tranh là một phần trong công việc của một họa sĩ, nhưng đó chưa bao giờ là mục tiêu chính của tôi khi làm triển lãm. Nếu chỉ vẽ để bán, tôi nghĩ tranh sẽ mất đi một phần hồn của nó.

Tôi tin rằng giá trị lớn nhất của triển lãm không nằm ở việc bán được bao nhiêu tranh, mà là việc tác phẩm có thể chạm đến trái tim người xem, khiến họ dừng lại, chiêm nghiệm, và nhìn cuộc sống chậm hơn một chút - dù chỉ trong khoảnh khắc ngắm tranh", nữ họa sĩ nêu quan điểm.

Tự chủ tài chính từ thương hiệu riêng và công việc kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cùng ông xã - doanh nhân Đặng Bảo Hiếu, Đặng Thanh Huyền có điều kiện để thực hiện những triển lãm cá nhân mà không phải phụ thuộc vào doanh thu từ tranh. Điều này cũng giúp nữ họa sĩ giữ được sự tự do trong sáng tạo, được vẽ những gì mình thực sự muốn thay vì phải chạy theo thị hiếu của thị trường.

Triển lãm "Nơi thời gian chậm lại": Giá trị lớn không nằm ở việc bán tranh- Ảnh 4.

Họa sĩ Đặng Thanh Huyền bên gia đình.

Gây ấn tượng với vẻ ngoài trẻ trung, xinh đẹp, sự thành công trong nghệ thuật của Đặng Thanh Huyền vướng phải không ít hoài nghi, trong đó có định kiến rằng một người phụ nữ có ngoại hình và các mối quan hệ tốt, thì chắc chắn phải dựa vào những yếu tố đó để đi lên thay vì công nhận năng lực thực sự của họ. Nhưng theo nữ họa sĩ, thời gian và tác phẩm là lời phản biện rõ ràng nhất. "Một bức tranh không thể tự ‘đẹp lên’ nhờ ngoại hình của họa sĩ, cũng không thể tồn tại lâu nếu chỉ dựa vào các mối quan hệ. Không ai có thể giúp tôi cầm cọ và vẽ thay tôi được. Tôi không phủ nhận rằng ngoại hình ưa nhìn có thể là một lợi thế trong cuộc sống, nhưng nó không thể là yếu tố quyết định thành công", cô chia sẻ.

Bên cạnh vai trò là một họa sĩ, một doanh nhân, Đặng Thanh Huyền còn là mẹ của ba đứa trẻ. Cô không phủ nhận những khó khăn trong việc cân bằng các vai trò, nhưng cũng không tìm cách cố gắng trở thành một người phụ nữ hoàn hảo. Thay vào đó, cô lựa chọn cách dung hòa tất cả: khi vẽ, hoàn toàn dành tâm trí cho nghệ thuật; khi làm kinh doanh, tận dụng tư duy sáng tạo để đưa ra hướng đi linh hoạt; khi làm mẹ, là người phụ nữ của gia đình, nấu những bữa cơm, trò chuyện với chồng con. Với Đặng Thanh Huyền, chính những trải nghiệm trong vai trò làm vợ, làm mẹ đã nuôi dưỡng những cảm xúc trong các tác phẩm của cô.

Ánh Dương

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Trạm sạc là chìa khóa mở cửa thị trường quốc tế

Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, sẽ đầu tư hệ thống trạm sạc ở các thị trường quốc tế y như tại Việt Nam. Mạng lưới cũng sẽ đầy đủ, cũng sẽ rộng khắp để tạo nên sức mạnh cạnh tranh

KRX chính thức vận hành từ 5/5

HoSE thông báo về việc chính thức đưa vào vận hành Hệ thống công nghệ thông tin mới kể từ ngày 5/5/2025.