Trong khi Việt Nam mới chỉ vừa tìm ra hướng phát triển, Singapore đã bắt kịp cuộc cách mạng mới ở Châu Á

14/10/2016 09:48 AM | Xã hội

Nghiên cứu của Accenture cho thấy đầu tư cho công nghệ tài chính tại Châu Á Thái Bình Dương đã tăng hơn 4 lần trong năm 2015 lên mức 4,3 tỷ USD, cao thứ 2 thế giới sau khu vực Bắc Mỹ.

Cách mạng mới

Ngành tài chính toàn cầu đang đối mặt với một cuộc cách mạng mới. Trong nhiều thế kỷ, hệ thống tài chính là vương quốc của những ngân hàng, môi giới hay các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đang thay đổi cách dòng tiền chảy từ nơi này đến nơi khác.

Trong những năm gần đây, công nghệ tài chính (Fintech) đang dần trở thành xu hướng mới của ngành tài chính và Singapore đã xác định nước này sẽ tập trung phát triển mảng này để bắt kịp hoàn toàn những lợi thế từ cuộc cách mạng mới.

Việc hàng loạt những công nghệ hay ứng dụng phục vụ cho ngành tài chính hiện đang dần trở nên phổ biến trên toàn thế giới hiện nay. Ví dụ như Paypal, ứng dụng cho phép khách hàng thanh toán trực tuyến mà không phải đến ngân hàng, hay Kickstarter, ứng dụng hỗ trợ cho các nhà khởi nghiệp xây dựng nền tảng cho ý tưởng của mình.

Với những Paypal hay Kickstarter, giờ đây nhiều doanh nhân có thể cạnh tranh với các ông lớn trong lĩnh vực tài chính, vốn cần nhiều tài nguyên theo quan điểm trước đây.

Nghiên cứu của Accenture cho thấy đầu tư cho công nghệ tài chính tại Châu Á Thái Bình Dương đã tăng hơn 4 lần trong năm 2015 lên mức 4,3 tỷ USD, cao thứ 2 thế giới sau khu vực Bắc Mỹ.

Trước xu thế trên, Singapore đang cố gắng bắt kịp xu thế công nghệ tài chính thông qua tập trung đầu tư vào hàng loạt các startup cũng như phát triển mạnh mẽ cộng đồng khởi nghiệp ở đây.


Văn phòng của Kickstarter tại Singapore

Văn phòng của Kickstarter tại Singapore

Quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới

Vốn nằm trên vùng eo biển Malacca, Singapore có vị trí địa lý khá thuận lợi khi tuyến đường biển này chiếm đến 40% giao dịch thương mại toàn cầu. Các cảng biển tại Singapore là trung tâm trung chuyển của nhiều hãng vận tải. Kết hợp với các chính sách thu hút đầu tư cũng như thủ tục hành chính thông thoáng, Singapore đã dần vươn lên vị trí hàng đầu tại Đông Nam Á cũng như có vị thế lớn trong nền kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, khi lợi thế cảng biển mất đi, quốc gia này cần tìm một lối đi mới. Ngành tài chính là lĩnh vực chủ chốt của nước này và đương nhiên Singapore buộc phải đi theo trào lưu Fintech nếu muốn tiếp tục giữ vững vị thế kinh tế của nước mình.

Năm 2014, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tuyên bố kế hoạch biến nước này thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới vào năm 2030, qua đó sử dụng công nghệ làm bàn đạp phát triển kinh tế cũng như nâng cao chất lượng sống của người dân.

Ngân hàng trung ương Singapore cùng các bộ ngành liên quan hiện đã thành lập những trung tâm tài chính thí nghiệm nhằm ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao để cải thiện hiệu quả của ngành này.

Quốc gia này dự kiến sẽ chi 168 triệu USD trong 5 năm tới nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính phối hợp với những startup để nâng cấp công nghệ kỹ thuật. Singapore cũng đã quyết định thành lập trung tâm Fintech Office, chuyên hỗ trợ và phát triển các startup trong ngành tài chính.

Theo Accenture, điểm đặc biệt của Singapore là nước này thực sự làm việc với các nhà khởi nghiệp và startup để xác định những khó khăn ở nơi nào và họ cần giúp đỡ những gì.

Những cải cách này của Singapore đã đem lại hiệu quả khi tổ chức Ernst & Young xếp nước này đứng thứ 4 trong số những quốc gia có đóng góp nhiều nhất vào việc phát triển công nghệ tài chính, cao hơn cả Đức, Australia và Hồng Kông.

Hiện Singapore được đánh giá là điểm thu hút các nhà đầu tư tại Châu Á và đã có khoảng 210 công ty công nghệ tài chính ở Singapore đã đi vào hoạt động trong 2 năm vừa qua, mức tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực.


Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long

Châu Á

Theo nhiều chuyên gia, Singapore và Đông Nam Á đang có rất nhiều lợi thế để phát triển công nghệ tài chính.

Nghiên cứu của McKinsey cho thấy có đến 59% người trưởng thành tại đây không có tài khoản ngân hàng, một cơ hội tuyệt vời cho các ứng dụng tài chính.

Trong khi đó, số người dùng Internet tại Châu Á lại chiếm gần 50% toàn cầu, còn số người tiêu dùng tại Đông Nam Á lại đang tăng chóng mặt do kinh tế đi lên.

Tất cả những yếu tố trên tạo nên một môi trường vô cùng thuận lợi cho các startup Fintech.

CEO Roberto Capodieci của OTDocs.com, một trang web cung cấp mạng lưới thông tin, quản lý dòng chảy văn bản của ngành vận tải biển, nhận định Singapore là một địa điểm lý tưởng cho startup của anh. Quốc gia này cho phép các công ty truy cập thoải mái với các công ty cũng như các ngành nghề khác. Chính quyền địa phương cũng giúp đỡ tối đa để các startup có thể vận hành tốt.

“Singapore chắc chắn sẽ là nơi tốt nhất cho các startup Fintech tại Châu Á”, anh Capodieci nói.

Kết nối ra toàn thế giới

Vốn có tầm nhìn dài hạn khá tốt, Singapore đã nhận ra họ không thể chơi một mình trong việc phát triển startup cũng như công nghệ tài chính khi xu thế toàn cầu hóa lan rộng.

Tháng 6 vừa qua, Singapore đã ký một thỏa thuận với hội đồng đầu tư Australia (ASIC) qua đó cho phép các startup Fintech của 2 nước có thể nhanh chóng tiếp cận khách hàng và thị trường của nhau.

Trong khi đó, Anh cũng mới ký một thỏa thuận hợp tác với Singapore vào tháng 5/2016, qua đó thu hút nhiều hơn nữa các startup công nghệ tài chính cũng như nhà đầu tư của 2 nước tiếp cận thị trường của nhau.

Dẫu vậy, do chỉ có dân số chưa đến 5,4 triệu người nên Singapore vẫn còn gặp khó trong việc tuyển dụng lao động cũng như mở rộng nhu cầu thị trường cho cộng đồng startup. Đây là một điểm yếu khá lớn so với những trung tâm startup trên thế giới như New York hay London.

Bất chấp điều đó, nhiều khả năng Singapore sẽ tăng cường nhập khẩu các tài năng trẻ hay lao động nhập cư từ nước ngoài để phục vụ cho mục đích phát triển của quốc gia mình. Trong tương lai, Singapore chắc chắn sẽ trở thành trung tâm startup cũng như công xưởng công nghệ tài chính tại Đông Nam Á.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM