TS Trần Đình Thiên: "Đầu tư BOT ở Việt Nam quá cao so với thế giới khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi"

07/06/2016 16:36 PM | Kinh tế vĩ mô

Các dự án BOT của Việt Nam vẫn rất cao so với thế giới, cho dù chúng ta loại bỏ yếu tố giải phóng mặt bằng, đắp nền đường... Điều này khiến, tăng mức phí cao, khiến người dân và doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi.

Đánh giá về dự án BOT, BT Việt Nam trong suốt 5 năm qua tại hội nghị BOT diễn ra sáng nay, TS Trần Đình Thiên cho hay, các dự án hạ tầng giao thông khi đưa vào khai thác đã phát huy ngay hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Tuy nhiên, việc phân bổ nguồn lực quốc gia vào xây dựng cơ sở hạ tầng chưa đồng đều, phần lớn các dự án đều tập trung vào công trình giao thông đường bộ, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ và một số tuyến cao tốc.

"Bộ Giao thông nên đặt câu hỏi tại sao lại tập trung quá nhiều vào xây dựng đường cao tốc, đường bộ? Phải chăng có lợi thế nào khác so với các lĩnh vực khác không hay sự lựa chọn có lợi ích? Nếu không tính đúng thì có thể rơi vào “bẫy” hạ tầng, chi phí giải quyết cho vấn đề này sẽ rất lớn.

Và tại sao cảng biển, sân bay, đường sắt không thấy đầu tư BOT? Có động cơ gì mà nhà đầu tư chỉ thích đường cao tốc?”, TS Thiên đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, theo TS Trần Đình Thiên, xung quanh nhiều ý kiến cho rằng đầu tư BOT tốt, mang lại diện mạo chân dung mới cho đường bộ nhưng có nhiều bức xúc xã hội không thể bỏ qua. Đó chính là chi phí.

Nổi bật lên gồm các loại chi phí: lãi suất, chi phí vận tải và các loại phí giao dịch khác. Không chỉ nhìn đơn giản nhà đầu tư họ nói có lợi ích thì mới làm, tập trung vào đường bộ đường cao tốc vì có cơ chế khuyến khích. Lợi ích của người này phải đồng đều với lợi ích quốc gia.

Ở khía cạnh về chi phí đầu tư của các dự án BOT, BT, ông Trần Đình Thiên nhận xét về chi phí đầu tư, những thông số đầu tư đơn vị (chi phí xây dựng mua sắm thiết bị, lãi suất, chi phí dự phòng…) thì các dự án BOT của Việt Nam vẫn rất cao so với thế giới, cho dù chúng ta loại bỏ yếu tố giải phóng mặt bằng, đắp nền đường...

"Điều này làm tăng mức phí cao, khiến người dân và doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi. Có nhiều lý lẽ được đưa ra để lý giải về điều này. Nhưng đất nước mình còn nghèo, vấn đề tổng đầu tư phải hết sức minh bạch. Càng công khai, chia sẻ càng nhiều với xã hội thì càng tốt".

Ông Trần Đình Thiên đề xuất: “Có lẽ sau khi thanh tra, kiểm toán công trình nếu suất đầu tư cao quá, nhà nước cần tham gia vào hỗ trợ nhà đầu tư, kéo dài thời gian thu phí để hạ mức phí -cước trên đường BOT. Nếu cần, có thể lấy ngân sách bù cho nhà đầu tư thu hôi vốn nhanh, sau đó kéo dài thời gian thu phí mục đích là giảm phí cho người dân, dung hoà lợi ích các bên".

Ngoài ra, muốn công khai minh bạch về thu phí, ông Thiên kiến nghị triển khai nhanh thu phí tự động. Chắc chắn khi triển khai hình thức này sẽ giảm được chuyện gian lận trong thu phí.

“Nên tích cực chuyển sang thu phí tự động càng nhanh càng tốt. Tôi cũng từng có nói chuyện với Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng rằng: Thành phố hội nhập gì mà tắc nghẽn vì đợi trả phí thế này. Ông nào muốn vào TP.HCM thì buộc phải làm thu phí tự đông. Ông không làm được thì ông đừng vào”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng cho hay, qua đánh giá, các dự án BOT hiện nay còn một số bất cập như: Việc bố trí các trạm thu phí có những trạm không hợp lý, thiếu quy hoạch tổng thể, hệ thống văn bản điều chỉnh về vấn đề này còn chưa hoàn chỉnh.

“Trong thời gian tới cần tăng cường kiểm soát, bởi vì bản chất dự án BOT là đầu tư trả chậm, nên việc kiểm soát giống như dự án công. Cần phải minh bạch, phải xác định đúng tổng mức đầu tư, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra dự án để kịp thời khắc phục các sai phạm. Đề nghị Bộ Tài chính nhanh chóng rà soát các dự án BOT để giảm phí…”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, giai đoạn 2011-2015, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án, gồm 58 dự án BOT (tổng mức đầu tư 170.355 tỷ đồng) và 4 dự án BT (tổng mức đầu tư 16.305 tỷ đồng)./.

K.L

Cùng chuyên mục
XEM