Vì sao Viettel Global không báo lãi năm 2016?

28/04/2017 16:33 PM | Kinh doanh

Đứng vị trí số 1 về thị phần viễn thông ở 5/10 quốc gia đã đầu tư, có tốc độ tăng trưởng hai con số ở những thị trường mới, nhưng Viettel Global lại không thể hạch toán lãi trong năm 2016. Ông Lê Đăng Dũng, PTGĐ Tập đoàn, đồng thời cũng là TGĐ Viettel Global đã lý giải câu hỏi này.

Báo cáo kiểm toán của Deloitte cho thấy, năm 2016, Viettel Global lỗ 3.000 tỷ đồng. Đây có phải là một năm rất khó khăn của Viettel về đầu tư nước ngoài không, thưa ông?

Đây là con số ghi nhận lỗ trên sổ sách và chưa thực hiện, tiền vẫn còn nguyên và chúng tôi không bị mất mát gì ở đây cả. Lỗ trên sổ sách tức là hàng năm, khi chúng tôi báo cáo tài chính thì phải hợp nhất tất cả các công ty thị trường. Mỗi thị trường lại có 1 đồng tiền khác nhau, do đó chúng tôi cần quy đổi về đô la Mỹ (USD).

Chúng tôi chỉ quy đổi con số trên sổ sách thôi, còn tiền mặt thì vẫn đang giữ bằng đồng nội tệ trong tài khoản. Khi đồng đô la Mỹ đang cao, chúng tôi không mua đô la mà giữ bằng đồng nội tệ. Vì vậy, mới gọi là lỗ tỉ giá trên sổ sách hay lỗ chưa thực hiện.

Khi quy đổi như vậy, có một số thị trường, đồng nội tệ bị mất giá so với đồng đô la Mỹ, ví dụ như Mozambique, mất giá tới 58%. Tức là trước kia, 55 metica (đơn vị tiền tệ Mozambique) đổi được 1 đô la thì bây giờ cần 90 metica đổi được 1 đô la. Nghĩa là, khi quy đổi ra đô la Mỹ, số tiền mà chúng tôi tạo ra ở Mozambique tự nhiên chỉ còn một nửa.

Còn năm 2016 có thể nói là một năm nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Bởi vậy mà ở tất cả các thị trường chúng tôi đang kinh doanh nếu xét theo đồng nội tệ thì tăng trưởng tốt. Ví dụ, Natcom tại Haiti tăng 6%, Movitel tại Mozambique tăng 7%, Viettel Burundi tăng 42%, Viettel Cameroon tăng 43%, Viettel Tanzania tăng trưởng tới 1343%, v.v. Tổng doanh thu viễn thông của Viettel Global vẫn tăng 21,5%, gấp hai lần so với năm trước.

Khi kinh doanh tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Châu Phi, yếu tố tỷ giá có được Viettel tính tới để dự phòng không thưa ông?

Bất kỳ nước nào cũng sẽ gặp nguy cơ về tỷ giá, không chỉ riêng ở Châu Phi. Nhưng với trường hợp cụ thể này, trong 3.000 tỷ hạch toán lỗ trên sổ sách thì chủ yếu là từ Mozambique. Hiện nay, tỷ giá ở Mozambique đang tốt lên. Cụ thể là từ 90 Metica đổi được 1 USD thì bây giờ chỉ còn 70 Metica đổi được 1 USD. Nghĩa là đồng nội tệ của Mozambique đã có giá trị tăng lên 25%. Với việc tỷ giá của Mozambique tốt lên như vậy thì dự kiến kết quả kinh doanh quý 1 của VTG cũng sẽ tốt lên.

Trong trường hợp tỷ giá không tốt lên, Viettel cũng đã có giải pháp. Cụ thể là chúng tôi sẽ chi trả các khoản chi phí bằng đồng nội tệ. Ví dụ như chi phí mua thiết bị, chi phí đầu tư mới, đi vay, chúng tôi cũng sẽ vay bằng đồng nội tệ để khi chi trả không cần phải đổi ra đô la Mỹ.

Vậy sang năm 2017, tình hình kinh doanh có khó khăn không, thưa ông?

Tín hiệu 3 tháng đầu năm thì đang rất tích cực. Hiện nay chúng tôi còn đợi kiểm toán thông qua kết quả nữa nhưng có thể khẳng định mức tăng trưởng của Viettel Global là tốt. Lợi nhuận quý 1 tăng trưởng so với năm 2016 dự kiến khoảng 40 triệu USD, tức là gần 900 tỷ đồng.

Ông có thể cho biết tình hình của những thị trường mà Viettel mới triển khai kinh doanh?

Tại Tanzania, năm 2016, chúng tôi tăng trưởng tới 1.343%, chỉ sau 1 năm, chúng tôi có tới gần 4,5 triệu khách hàng. Đây là một con số tăng trưởng về khách hàng rất lớn. Chúng tôi đặt mục tiêu năm 2017 sẽ vượt mạng Airtel của Ấn Độ (mạng di động vốn nổi tiếng với việc bán giá thoại 1 cent/phút).

Ở Cameroon, chúng tôi có 4,3 triệu khách hàng (năm 2016 tăng 43%) và sắp vượt mạng Orange của Pháp (hiện có 4,5 triệu khách hàng) để vươn lên vị trí thứ 2 tại thị trường này

Còn ở Peru, Bitel có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong số các nhà mạng tại đây, chiếm đến hơn 50% thuê bao mới trong năm 2016 và sắp vươn lên vị trí số 3 ở thị trường.

Nhìn chung, nếu chỉ xét về hoạt động kinh doanh phát triển thuê bao, tăng trưởng doanh thu và có lợi nhuận trên từng thị trường nước ngoài, Viettel Global có triển vọng tốt.

Đầu tư nhiều thị trường, và các thị trường sau này ngày càng lớn, ví dụ như Myanamar với gần 60 triệu dân, Viettel đầu tư tới gần 1 tỉ đô la. Liệu, các thị trường đầu tư lớn như vậy có làm kết quả kinh doanh chung của Viettel Global sẽ liên tục phải báo lỗ không thưa ông?

Đúng là sau 10 năm đi đầu tư nước ngoài, lúc ban đầu, bất cứ nơi nào có cơ hội là chúng tôi đều đầu tư. Vì khi ấy, chúng tôi chưa có đủ danh tiếng khi đi đầu tư nước ngoài. Hiện giờ, với 10 quốc gia đầu tư, tên tuổi đã được nhiều người biết đến. Nhiều quốc gia đã chủ động tìm đến, đặt vấn đề và mời chúng tôi sang đầu tư. Bây giờ là lúc chúng tôi có quyền cân nhắc, lựa chọn những thị trường có sức mua, có tăng trưởng tốt. Năm nay, chúng tôi đang cân nhắc đầu tư vào Nigeria và Indonesia. Hai thị trường đều có dân số khoảng 200 triệu, trong đó Nigieria có GDP/người đạt mức 3.000 USD, cao hơn Việt Nam.

Tuy nhiên, sẽ có câu chuyện, liên tục đầu tư như vậy, đặc biệt là các thị trường có quy mô lớn thì phải khoảng 3 năm mới bắt đầu có lãi. Do đó, trong thời gian đầu mới kinh doanh khi báo cáo hợp nhất, sẽ làm giảm lợi nhuận trong kết quả chung của Viettel Global. Nhưng khi những thị trường lớn này bắt đầu có lãi thì sẽ làm tăng lợi nhuận của Viettel Global rất nhanh.

Theo báo cáo đại hội cổ đông, Viettel Global đặt ra mục tiêu rất tham vọng với tăng trưởng doanh thu 30%, lợi nhuận dương và có tới 50 triệu khách hàng. Cơ sở nào để đặt ra các kế hoạch này?

Thứ nhất dựa vào việc tăng trưởng của các thị trường mới đầu tư như tôi đã nói ở trên.

Thứ hai là dựa vào việc ảnh hưởng tỉ giá tại châu Phi đã suy giảm cũng như các giải pháp xử lí vấn đề tỉ giá trên sổ sách như đã nói ở trên.

Thứ ba là điều chỉnh cách làm tại các thị trường cũ, tập trung vào thu hút nhóm khách hàng giàu và trung lưu, mở rộng kinh doanh 4G (đem lại tăng trưởng 25% ARPU trung bình của thuê bao) v.v.

Viettel Global tự tin về kế hoạch đã đặt ra, mặc dù đó là một kế hoạch rất tham vọng.

Xin cảm ơn ông.

Trường Minh

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Công ty quản lý của Hieuthuhai lên tiếng sau thông tin bị cấm quảng cáo Celano

Nomad MGMT Vietnam, công ty quản lý của Hieuthuhai khẳng định doanh nghiệp và nghệ sĩ đã thực hiện chiến dịch theo đúng quy định của pháp luật và hợp đồng.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Lĩnh vực khoa học công nghệ Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi, trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độ tương xứng

Mới đây, tại Davos, Thụy Sĩ, tọa đàm với chủ đề: "Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh" được tổ chức trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Masan chi 1.600 tỷ mua 5 tầng lầu Quận 1 của Techcombank làm 'phi thuyền vũ trụ', ACV và Vietjet lập ‘quận hàng không’ tại Tân Bình

Tổng giá trị vốn hóa thị trường của nhóm Tp.HCM (bao gồm cả MWG) là 69,4 tỷ đô – chỉ bằng 54% tổng vốn hóa của nhóm tại thủ đô Hà Nội.

Ngân hàng Xây dựng (CBBank) đổi tên sau khi về với Vietcombank

Từ 17/1, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) chính thức đổi tên thành Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo).