"Vua tôm sinh thái" gặp khó trên đường hồi sinh

23/06/2016 19:12 PM | Kinh doanh

Với chi phí tài chính lớn, những năm qua có vẻ như Công ty Cổ Phần Chế biến Thủy sản và Xuất Nhập Khẩu Cà Mau (CMX) đang làm “ không công” cho ngân hàng hơn là làm lợi cho cổ đông.

Mặc dù được kỳ vọng rất nhiều, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lớn ngành thủy sản đến nay vẫn đang ngụp lặn trong những khó khăn và chưa thể thoát ra được. Một số các doanh nghiệp thủy sản nhỏ đã phải thu hẹp hoạt động, doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút.

Tình hình của các doanh nghiệp thủy sản niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán cũng không khá hơn. Đáng chú ý trong số đó là những doanh nghiệp có doanh thu khá cao nhưng lợi nhuận lại rất thấp. Giá cổ phiếu của đa số doanh nghiệp trong ngành cũng hầu hết đang được giao dịch dưới mệnh giá. Trường hợp của Công ty Cổ Phần Chế biến Thủy sản và Xuất Nhập Khẩu Cà Mau (HOSE: CMX) là một ví dụ cụ thể.

Camimex được biết đến là công ty hoạt động trong ngành thủy sản đã hơn 30 năm, là đơn vị đầu tiên của Việt Nam triển khai tôm sinh thái từ năm 2000 và đạt được chứng nhận tôm sinh thái do Naturland và IMO cấp. Đồng thời, Camimexcũng là đơn vị đầu tiên trên thế giới được cấp chứng nhận sinh thái cho chuỗi giá trị tôm sinh thái xuyên suốt, bền vững: Trại giống sinh thái, Vùng nuôi sinh thái, Sản phẩm sinh thái.

Niêm yết từ cuối năm 2010 với mức giá chào sàn 15.000 đồng/cp, tuy nhiên kể từ khi chào sàn với tổng khối lượng xấp xỉ 11,5 triệu đơn vị thì giá cổ phiếu này liên tục tuột dốc và chỉ còn 5.000 đồng mỗi cổ phiếu cho đến thời điểm hiện tại. Trong gần 6 năm kể từ ngày niêm yết, công ty này cũng chỉ 1 lần duy nhất huy động được vốn đó là vào năm 2011 lên mức 132 tỷ và giữ nguyên cho đến hiện nay.

Theo báo cáo thường niên 2015, CMX chịu sự khó khăn chung của ngành Tôm và không đạt các kế hoạch kinh doanh mà đại hội cổ đông đề ra. Doanh thu xuất khẩu năm 2015 của CMX chỉ đạt 34,35 triệu USD, tương đương bằng 83,23% so với năm 2014, chỉ đạt 49% kế hoạch.

Năm 2015, lợi nhuận của công ty này cũng đã có sự tăng trưởng trở lại khi đạt mức 24,7 tỷ đồng, cao hơn gấp 3,4 lần so với con số 7,3 tỷ đồng năm 2014.

Dù vậy, khó khăn của CMX vẫn đang còn chịu hệ lụy từ những năm trước để lại, mà cụ thể là các khoản lỗ nặng 127 tỷ đồng vào năm 2013. Việc thiếu vốn lưu động nên gặp hạn chế trong việc mua nguyên liệu để mua nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu.

Trong khi đó, nhiều nhận định cho rằng, sản phẩm tôm sinh thái của CMX đang có sự tiêu thụ tốt do đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của quốc tế đối với phương thức nuôi tôm thân thiện với môi trường, giảm lo ngại về an toàn thực phẩm, giúp sản phẩm nhận được giá cao hơn trên thị trường.

Tôm sinh thái là tôm nuôi tự nhiên trong vùng rừng ngập mặn tại Cà Mau, sinh trưởng tự nhiên và không cần cho ăn. Hiện nay, CMX đang quản lý vùng nuôi tôm sinh thái liên kết tại Cà Mau với diện tích gần 40.000 hecta, trong đó diện tích rừng là 50% và 50% diện tích nuôi tôm.

Thị trường chính của công ty là EU. Thời gian tới CMX sẽ tiếp tục tập trung vào sản phẩm thế mạnh của công ty là tôm sinh thái, sản phẩm nhận được chứng chỉ Naturland và IMO của Thụy Sĩ.

Kế hoạch phát triển trung dài hạn của CMX này là tiếp tục đầu tư nâng cấp thiết bị, nhà xưởng để nâng cao năng lực sản xuất đặc biệt là sản xuất mặt hàng giá trị gia tăng. Liên hệ với các đối tác trong và ngoài nước để hợp tác, liên doanh phát triển sản xuất kinh doanh.

Tờ trình đại hội cổ đông vừa mới công bố, năm 2016, CMX đặt kế hoạch đạt 46,8 triệu USD, phấn đấu 75 triệu USD, lượng sản xuất 3.400 tấn tôm thành phẩm, phấn đấu sẽ 3.800 tấn. Doanh thu 1.058 tỷ đồng, phấn đấu đạt 1.575 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 32 tỷ đồng và 29 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Nếu nhìn vào doanh thu vẫn ở mức cao và thị trường mà công ty này đang khai thác, thì khó để tin rằng cổ phiếu CMX có mức giá thấp như hiện tại. Hiện giá cổ phiếu này đang ở mức xoay quanh 5.000 đồng một cổ phiếu, tương đương với mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) chỉ 3 lần và thấp hơn nhiều so với mức P/E khoảng 13.x trên HOSE. Câu hỏi được đặt ra là điều gì khiến cho CMX bị thị trường định giá thấp như vậy ?

Dấu hỏi lớn về tăng trưởng

Chuyên gia kinh tế cho rằng, đối với một doanh nghiệp có sản phẩm có thể bán chạy thì việc sử dụng nợ vay ngắn hạn lớn tài trợ vốn lưu động là chuyện bình thường. Nhưng tổng số nợ ngắn hạn hạn phải được đảm bảm bằng tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp.

Quan sát các chỉ số thanh toán của CMX cho thấy hệ số này luôn thấp hơn 1 trong suốt 5 năm qua và dĩ nhiên hệ số thanh toán nhanh cũng rất thấp. Con số hiện tại là 0,3 lần cho thấy sức ép tài chính đối với CMX là rất lớn.

Chi phí tài chính của doanh nghiệp này hàng năm hầu như là khoản chi phí lớn nhất của doanh nghiệp. Điều này cho thấy hầu như những năm qua CMX đang làm “ không công” cho ngân hàng thì đúng hơn.

Việc kỳ vọng lớn vào tăng trưởng và việc sử dụng dòng vốn vay ngắn hạn lớn khiến cho doanh nghiệp chịu chi phí cao và rủi ro thanh khoản là vấn đề của không chỉ mình CMX mà còn rất nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản khác. Có thể thấy rằng, có lẽ những sự ca tụng và thổi phòng về tiềm năng khiến nhiều doanh nghiệp “say nắng” phải gánh đòn đau tới hiện tại.

Con số lợi nhuận khiêm tốn, CMX vẫn đang tồn đọng khoản lỗ chưa phân phối hơn 63 tỷ đồng. Chính điều này làm rào càn khiến doanh nghiệp tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo của sở giao dịch chứng khoán TP.HCM. Đây là một điểm trừ khiến nhà đầu tư e ngại về cổ phiếu này.

Ở một diễn biến khác, có ý kiến cho rằng với tình cảnh của một doanh nghiệp như CMX muốn bứt lên cần phải huy động được nguồn vốn để nâng cao sức mạnh tài chính. Một mặt giúp doanh bổ xung vốn lưu động, một mặt giảm lãi vay để dưa lợi nhuận từ từ cứng cáp đi lên.

Trong khi đó, hiện CMX đang đối mặt những vấn đề của chính mình. Thứ nhất là bị đưa vào diện cảnh báo và những vết xước về hình ảnh khi nhiều lần bị phạt và nhắc nhở về chậm công bố thông tin. Một mặt là với việc lợi nhuận chưa phân phối là một số âm nên cũng không thể thực hiện việt phát hành tăng vốn. Giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường hiện nay cũng không ủng hộ CMX gọi vốn từ thị trường. Đây là điều khiến CMX vẫn khó được kỳ vọng có cơ hội thay đổi.

Tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của CMX, cũng không thấy có sự đề cập đến vấn đề giải quyết bài toán về tài chính cho doanh nghiệp. Trước đó, vào năm 2014, hội đồng quản trị CMX từng công bố đồng ký hợp tác với tập đoàn Lotte Hàn Quốc nhưng các báo cáo cho đến nay vẫn không có thông tin cụ thể gì về sự hợp tác này.

Bằng cách nào CMX thực hiện được mục tiêu tăng trưởng theo các nội dung đã đưa ra? Với nguồn vốn hạn chế, tiền đâu để CMX thu mua đủ nguyên liệu đầu vào để thúc đẩy tăng doanh số. Mặt khác, với việc chi phí lãi vay đang đè nặng, CMX cũng sẽ gặp khó khăn rất lớn với rủi ro lãi suất tăng.

Theo Huy Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM