WHO điều tra mối liên hệ giữa các trường hợp tử vong do siro ho
WHO đang điều tra xem liệu có bất kỳ mối liên hệ nào giữa các nhà sản xuất có thuốc siro ho bị nhiễm độc liên quan đến cái chết của hơn 300 trẻ em ở ba quốc gia hay không.
Trích dẫn "mức độ không thể chấp nhận được" của độc tố trong các sản phẩm, WHO đang tìm kiếm thêm thông tin về các nguyên liệu thô cụ thể được sáu nhà sản xuất ở Ấn Độ và Indonesia sử dụng để sản xuất thuốc siro ho liên quan đến những ca tử vong gần đây, cũng như liệu các công ty này có mua nguyên liệu từ cùng một số nhà sản xuất hay không. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa nêu đích danh bất kỳ nhà cung cấp cụ thể nào.
WHO cũng đang xem xét liệu có nên khuyên các gia đình trên toàn cầu đánh giá lại việc sử dụng siro ho cho trẻ em nói chung hay không, trong khi các câu hỏi về sự an toàn của một số sản phẩm này vẫn chưa được giải quyết. Các chuyên gia của WHO đang đánh giá bằng chứng về việc liệu các sản phẩm như vậy có cần thiết về mặt y tế cho trẻ em hay không hoặc khi nào.
Thực trạng trẻ em tử vong do tổn thương thận cấp tính bắt đầu diễn ra vào tháng 7/2022 ở Gambia, sau đó là các trường hợp ở Indonesia và Uzbekistan. WHO cho biết, những ca tử vong này có liên quan đến các loại siro ho không kê đơn mà trẻ em dùng để chữa các bệnh thông thường và có chứa chất độc diethylene glycol hoặc ethylene glycol.
Cho đến nay, WHO đã xác định được sáu nhà sản xuất thuốc ở Ấn Độ và Indonesia đã sản xuất siro ho có liên quan tới những ca tử vong nêu trên. Các nhà sản xuất này đã từ chối bình luận về cuộc điều tra hoặc bác bỏ việc sử dụng các nguyên liệu bị ô nhiễm góp phần gây ra bất kỳ trường hợp tử vong nào.
Người phát ngôn của WHO Margaret Harris cho biết: "Đây là ưu tiên cao nhất đối với chúng tôi, để không còn trường hợp trẻ em tử vong do những loại thuốc có thể phòng ngừa được nữa".
Ngày 23/1, WHO cho biết đã mở rộng cuộc điều tra về khả năng ô nhiễm diethylene glycol và ethylene glycol trong siro ho sang bốn quốc gia khác, nơi các sản phẩm tương tự có thể đã được bán, gồm Campuchia, Philippines, Đông Timor và Senegal. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ khác và ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu tiến hành kiểm tra khẩn cấp để loại bỏ tận gốc các loại thuốc không đạt tiêu chuẩn và cải thiện quy chế.
WHO đã đưa ra các cảnh báo cụ thể đối với siro ho do hai nhà sản xuất Ấn Độ là Maiden Pharmaceuticals và Marion Biotech sản xuất vào tháng 10/2022 và đầu tháng 1/2023. Theo đó, siro ho của hai công ty này có liên quan đến những trường hợp tử vong ở Gambia và Uzbekistan, và các cảnh báo yêu cầu mọi người ngừng sử dụng chúng.
Các nhà máy sản xuất của Maiden và Marion đều đã bị đóng cửa. Maiden hiện đang tìm cách mở cửa trở lại sau khi Chính phủ Ấn Độ cho biết vào tháng 12/2022 rằng thử nghiệm của họ không tìm thấy vấn đề gì với các sản phẩm của Maiden.
WHO, sau khi làm việc với cơ quan quản lý thuốc của Indonesia, cũng đã đưa ra cảnh báo vào tháng 10/2022 về siro ho do bốn nhà sản xuất Indonesia sản xuất và bán trong nước, gồm PT Yarindo Farmatama, PT Universal Pharmaceutical, PT Konimex, PT AFI Farma.
PT Yarindo Farmatama, PT Konimex và PT AFI Farma đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận vào ngày 24/1 về việc WHO điều tra mối liên hệ giữa các trường hợp tử vong ở ba quốc gia.