Xe đạp công cộng ở Trung Quốc: giá thuê đắt như đi taxi, khách hàng chê còn công ty vận hành thì báo lỗ ‘đều đều’

22/07/2023 08:34 AM | Kinh doanh

Người dùng xứ Trung than thở: "Thuê xe đạp mà mất 0,1 NDT/phút, thế thì thà gọi taxi vì cũng chỉ tốn 0,2 NDT/phút."

Thị trường xe đạp công cộng cho thuê ở Trung Quốc gần đây đang khá ảm đạm. Nguyên nhân lớn nhất là nhiều nền tảng cho thuê đã tăng giá quá mức. Ở một số  thành phố lớn tại nước này, giá thuê xe đạp công cộng cho thời lượng 15 phút có thể lên tới 1,5 NDT (khoảng 5.000 đồng).

Thuê xe đạp mà đắt gần bằng đi taxi

Từ năm 2018 trở về trước đó, giá thuê xe đạp phổ biến ở Trung Quốc chỉ là 0,5 NDT cho 30 phút. Đến năm 2019, mức giá tăng lên thành 1,5 NDT cho cùng thời lượng. Trong năm 2022, giá vé 7 ngày và vé 30 ngày đều tăng từ 40% đến 50%. Và đỉnh điểm là đến tháng 7 năm 2023, ba nền tảng cho thuê xe đạp lớn nhất Trung Quốc với tổng thị phần 95% là Meituan, Qingju và Hello đều nâng giá lên thành 1,5 NDT cho 15 phút ở nhiều nơi, tức 0,1 NDT/phút, trong khi đi xe taxi công nghệ nhiều hãng chỉ mất 0,2 NDT/phút.

Người tiêu dùng xứ Trung không phải là “nghèo” đến mức không có tiền thuê xe đạp, nhưng với mức giá thuê đắt gần bằng đi taxi, họ bắt đầu phàn nàn rằng xe đạp công cộng không còn thân thiện như ngày xưa.

Tổng thị phần 95% nhưng vẫn báo lỗ “đều đều”

Lý do dẫn đến sự tăng giá này là nguy cơ thua lỗ và gánh nặng tài chính của các hãng điều hành.

Năm 2022, Meituan - công ty thương mại điện tử lớn thứ ba kiêm “ông trùm” giao đồ ăn của Trung Quốc - có doanh thu gần 220 tỉ NDT, nhưng mảng “kinh doanh mới” trong đó bao gồm xe đạp cho thuê có khoản lỗ hoạt động lên tới 28,4 tỉ NDT. 

Mảng xe đạp cho thuê của nền tảng Hello cũng báo lỗ liên tiếp trong ba năm 2018, 2019, 2020 với các con số tương ứng là 2,2 tỉ NDT, 1,5 tỉ NDT và 1,1 tỉ NDT.

Đối với các công ty khổng lồ như Meituan, xe đạp cho thuê chỉ là một mảng kinh doanh nhỏ, nếu lỗ thì công ty vẫn đủ sức bơm thêm tài chính. Còn với một công ty khởi nghiệp như Hello thì tình hình tương đối chật vật. Để sống sót, công ty này đã phải mở rộng thêm sang nhiều lĩnh vực khác như cho vay tín dụng, giao đồ ăn, mua vé, gọi taxi, vân vân. 

Xe đạp công cộng ở Trung Quốc: giá thuê đắt như đi taxi, khách hàng chê còn công ty vận hành thì báo lỗ ‘đều đều’ - Ảnh 1.

Xe đạp cho thuê của Hello, Trung Quốc.

Một công ty phải “gánh” bao nhiêu chi phí?

Trọng tâm của mảng xe đạp cho thuê là một số lượng lớn tài sản hữu hình. Giá trị thu được từ mỗi lượt khách lại không cao, thời gian hoàn vốn khá dài. Do đó trong giai đoạn đầu, các công ty gần như phải “đốt tiền” để xây dựng thói quen người dùng và chiếm lĩnh thị trường. 

Vào khoảng năm 2018 tại Trung Quốc, mô hình thuê xe không cần đặt cọc trở nên phổ biến. Các công ty không còn duy trì vận hành nhờ nguồn tiền từ đặt cọc như trước nữa mà chỉ dựa vào doanh số sau mỗi lần thuê. Trong khi đó, việc vận hành lại cần quá nhiều chi phí: sản xuất, bảo dưỡng, khấu hao và các loại phí quản lý đô thị.

Khi chuỗi cung ứng xe đạp ở Trung Quốc còn non trẻ, chi phí để tạo ra một chiếc xe đạp cho thuê có thể lên tới 2000-3000 NDT. Ngày nay, chi phí đã giảm xuống còn 700-1500 NDT cho một chiếc xe hoàn chỉnh có khóa thông minh, chip định vị, GPS và thẻ sim. 

Tính đến năm 2022, ở Trung Quốc có hơn 400 thành phố có mô hình cho thuê xe đạp, mỗi ngày có 14,9 triệu chiếc xe lưu thông trên phố. 

Như vậy, nếu chi phí sản xuất mỗi chiếc xe rẻ nhất là 700 NDT thì ba công ty lớn nhất Trung Quốc với 95% thị phần nói trên cũng đã phải đầu tư hơn 9,9 tỉ NDT. Chưa kể, theo quy định của các ủy ban giao thông vận tải địa phương, tuổi thọ của một chiếc xe đạp cho thuê chỉ có thể là ba năm. Như vậy, trung bình mỗi công ty trong nhóm Meituan, Qingju và Hello phải bỏ ra 1,1 tỉ NDT mỗi năm. 

Xe đạp công cộng ở Trung Quốc: giá thuê đắt như đi taxi, khách hàng chê còn công ty vận hành thì báo lỗ ‘đều đều’ - Ảnh 2.

Xe đạp cho thuê của Meituan, Trung Quốc

Ngoài ra, các chính sách giữ gìn vệ sinh và mỹ quan đô thị ở nhiều tỉnh thành của Trung Quốc cũng khá khắt khe với xe đạp cho thuê. Nếu không kịp thời thu hồi các xe bị hư hỏng, vứt bỏ không đúng nơi quy định, làm ảnh hưởng mỹ quan công cộng, công ty điều hành có thể bị phạt từ 10.000 đến 100.000 NDT. Để tránh bị phạt, năm 2021, nền tảng Hello đã đưa ra “Kế hoạch 0530”, yêu cầu nhân viên vận hành phải phản hồi thông báo từ cơ quan quản lý trong vòng 5 phút, đến địa điểm được chỉ định trong vòng 30 phút và thu hồi xe trong vòng 60 phút.

Cộng thêm các chi phí bảo dưỡng, dịch vụ khác, các công ty vận hành ở Trung Quốc bị đặt vào thế khó: không tăng giá thì lỗ, có tăng giá thì cũng vẫn sẽ lỗ dần vì mất khách. Do đó, các hãng này chỉ có thể “ngầm” tăng giá bằng cách thêm bớt, điều chỉnh cách tính giá và tìm nhiều cách để khiến người dùng gắn bó hơn.

Nếu không tiện lợi thì không ai dùng 

Cuối cùng, thói quen dùng smartphone cũng là một yếu tố khiến người dùng xứ Trung ngày càng lạnh nhạt với xe đạp cho thuê. Khi thuê xe, họ thường quét mã QR bằng một ứng dụng chung như Alipay hay WeChat, vừa nhanh vừa tiện. Hầu như không ai muốn phải cài đặt thêm ứng dụng riêng của hãng cho nặng máy. Do đó, quảng cáo, ưu đãi, khuyến mãi của các hãng xe đạp công nghệ không được truyền đạt tới người dùng một cách hiệu quả. 

Tham khảo từ: Sina Tech

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM