Cổ phiếu PNJ xuống “đáy” hơn 1 năm bất chấp giá vàng lập đỉnh mọi thời đại, điều gì đang diễn ra?

30/03/2025 07:30 AM | Ngân hàng - Tài chính

So với đỉnh lịch sử hồi tháng 8/2024, cổ phiếu PNJ mất 23% giá trị, vốn hóa thị trường còn lại 27.800 tỷ đồng.

Giá vàng đang trở lại đỉnh cao mọi thời đại. Chiều ngày 28/3, Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 98,8 - 100,8 triệu đồng/lượng; PNJ niêm yết ở mức 98,7 - 100,7 triệu đồng/lượng; SJC giữ mức giá 98,5 - 100,5 triệu đồng/lượng; DOJI nâng giá vàng nhẫn lên 98,9 - 99,8 triệu đồng/lượng.

Đối với vàng miếng, cả bốn doanh nghiệp gồm PNJ, SJC, DOJI và Bảo Tín Minh Châu đều niêm yết giá bán ra ở mức 100,7 triệu đồng/lượng, trong khi giá mua vào dao động quanh 98,7 - 98,8 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay ở ngưỡng 3.067 USD/ounce, tăng 45 USD so với ngày hôm qua. Thậm chí, Goldman Sachs nâng dự báo giá vàng cuối năm từ 3.100 USD lên 3.300 USD, nhờ nhu cầu mạnh hơn kỳ vọng từ các quỹ ETF và ngân hàng trung ương.

Giá vàng bùng nổ tưởng chừng sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc. Song, cổ phiếu PNJ - đại gia bán vàng, trang sức lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam lại chứng kiến đà giảm giá "không phanh".

Kết thúc phiên 28/3, thị giá PNJ sụt giảm mạnh về mức 82.000 đồng/cp (-3,4% so với phiên trước), đánh dấu phiên giảm điểm thứ 6 liên tiếp. Đáng nói, đây đã vùng thấp nhất trong vòng hơn 1 năm trở lại đây (kể từ 5/1/2024). So với đỉnh lịch sử hồi tháng 8/2024, cổ phiếu PNJ mất hơn 23% giá trị, vốn hóa thị trường tương ứng "bốc hơi" 8.447 tỷ còn lại 27.700 tỷ đồng.

Thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức không thật sự hưởng lợi khi giá vàng leo thang. Nguyên nhân bởi mô hình kinh doanh cốt lõi của PNJ là tập trung vào mảng trang sức, thay vì kinh doanh vàng 24k.

Khi giá vàng lập đỉnh, chi phí sản xuất tăng mạnh kéo theo giá bán lẻ tăng theo. Điều này khiến người tiêu dùng trở nên e dè hơn trong việc chi tiêu cho trang sức vàng – một mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu. Thay vì mua trang sức, họ có xu hướng ưu tiên tích trữ vàng 24k (9999 hoặc 999) để bảo toàn giá trị hoặc tiết kiệm, dẫn đến doanh thu mảng trang sức của PNJ sụt giảm và gây áp lực lên giá cổ phiếu.

Tình trạng khan hiếm nguồn cung còn tiếp diễn

Không chỉ vậy, tình trạng khan hiếm nguồn cung vàng tiếp tục là một vấn đề nan giải.

Trong một báo cáo vào cuối quý 3 năm ngoái, VDSC cho rằng, giá vàng leo thang và việc siết chặt quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, PNJ không có (hoặc rất hiếm) hoạt động mua bán vàng miếng do việc thiếu hụt nguồn cung khi người dân hầu như chỉ mua, rất hiếm có việc bán lại vàng miếng.

VDSC dự phóng tình trạng thiếu hụt nguồn cung cho vàng miếng sẽ tiếp diễn cho các năm sau. Điều này dẫn đến việc PNJ sẽ không có doanh thu từ mảng vàng miếng từ 2025 trở đi. Tuy nhiên, mảng kinh doanh vàng miếng chỉ là mảng phụ mà PNJ giữ lại để tiếp cận và thu hút khách hàng cho mảng cốt lõi là bán lẻ trang sức.

PNJ sẽ ưu tiên nguồn vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang thay vì tập trung vào kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, những thách thức trong việc tìm nguồn cung vàng nguyên liệu ngày càng gia tăng kể từ cuối năm 2024. Với việc Chính phủ đẩy mạnh việc ban hành các chính sách từ đầu năm đến nay, PNJ kỳ vọng Nghị định 24 sẽ được sửa đổi. Nếu bị trì hoãn, PNJ có kế hoạch tăng tái chế trang sức, mua lại trang sức và nhập khẩu trang sức để bù đắp tình trạng thiếu hụt nguyên liệu.

PNJ đặt mục tiêu cải thiện biên lợi nhuận gộp so với cùng kỳ vào năm 2025, nhờ tỷ trọng doanh thu bán lẻ trong tổng doanh thu cao hơn. Doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho một số sáng kiến, bao gồm tối ưu hóa sản xuất và thiết kế, ra mắt sản phẩm mới hiệu quả hơn và tiếp tục tập trung vào trang sức có biên lợi nhuận cao, hàm lượng vàng thấp hơn để giảm thiểu các thách thức trong việc tìm nguồn cung vàng nguyên liệu.

Ở kịch bản tốt nhất, PNJ kỳ vọng phục hồi chi tiêu tiêu dùng từ quý 3/2025, được hỗ trợ bởi các chính sách kích thích kinh tế. Các kịch bản kém tích cực hơn khi sự phục hồi có thể bị trì hoãn đến quý 4 hoặc muộn hơn. Đến thời điểm hiện tại, PNJ chưa hé lộ kế hoạch kinh doanh cụ thể cho năm 2025.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Vietcap điều chỉnh giảm giả định tăng trưởng doanh thu bán lẻ năm 2025 từ 18% xuống 14% để phản ánh chi tiêu tiêu dùng yếu hơn dự kiến, được thể hiện qua mức giảm trong doanh thu bán lẻ tháng 12/2024. Ngoài ra, CTCK dự báo biên lợi nhuận gộp bán lẻ sẽ tăng lần lượt 1,4/0,6/0,6 điểm % so với cùng kỳ trong các năm 2025/26/27, do cơ cấu sản phẩm tốt hơn và những thách thức trong việc tìm nguồn cung nguyên liệu vàng thô giảm.

Vietcap dự báo PNJ sẽ mở thêm 25 cửa hàng vàng mới mỗi năm trong giai đoạn 2025/2026/2027, chủ yếu tại các khu vực cấp 2/3. Tính đến cuối tháng 1/2025, mật độ cửa hàng của PNJ tại miền Bắc (ngoại trừ Hà Nội) là 0,1 cửa hàng/100.000 người, thấp hơn mức trung bình toàn quốc của PNJ là 0,4 cửa hàng/100.000 người.

“Bằng cách thiết lập tệp khách hàng ở những khu vực chưa được khai thác nhiều, PNJ có vị thế tốt để hưởng lợi từ mức thu nhập ngày càng tăng ở những khu vực này trong tương lai” , báo cáo của Vietcap nhận định.

Ngày 26/4 tới đây, PNJ dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 bằng hình thức họp trực tiếp. Địa điểm họp tại Trung tâm Hội nghị White Palace, số 194 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM. Tài liệu họp sẽ được công bố muộn nhất vào ngày 5/4 khi đó các kế hoạch kinh doanh sẽ được hé lộ chi tiết hơn.

Ngày 26/4 tới đây, PNJ dự kiến sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 bằng hình thức họp trực tiếp. Địa điểm họp tại Trung tâm Hội nghị White Palace, số 194 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP HCM. Tài liệu họp sẽ được công bố muộn nhất vào ngày 5/4 khi đó các kế hoạch kinh doanh sẽ được hé lộ chi tiết hơn.

Theo Dương Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM

NỔI BẬT TRANG CHỦ

Thủ tướng: Chống nhập khẩu hàng hóa từ nước thứ 3 để xuất khẩu sang Mỹ

Theo Thủ tướng, giải quyết vấn đề thuế quan với Mỹ cần tính đến tổng thể chung của kinh tế đối ngoại Việt Nam và không ảnh hưởng tới các thị trường khác

Tiến sĩ RMIT: Việt Nam cần thực thi nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ

Theo tiến sĩ Chu Thanh Tuấn - Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, một trong những chiến lược dài hạn Việt Nam là kiểm soát chặt xuất xứ để ngăn chặn việc hàng hóa nước khác "đội lốt" hàng Việt. Ông cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm với giới chức thương mại Mỹ và nếu không kiểm soát tốt, Việt Nam có thể phải đối mặt với các hình phạt bổ sung.

Tác giả ‘Cha giàu, cha nghèo’ từng khuyên: Hãy mua vàng, đừng tích tiền trong thời khủng hoảng!

"Với tôi, trong thời khủng hoảng thì vàng, bạc mới là tài sản thực sự chứ không phải tiền mặt", ông Kiyosaki nhấn mạnh.

Không muốn “oằn mình” gánh nợ mua nhà, người trẻ chọn cách đi thuê

Trong bối cảnh giá nhà không ngừng leo thang, nhiều người trẻ Việt Nam đang dần rẽ hướng sang lựa chọn thuê nhà thay vì “gồng mình” vay nợ để mua nhà.